Trong tự nhiên, cây cỏ luôn có những giá trị riêng, mang đến nhiều công dụng đối với con người. Có một số loài thực vật đã góp phần quan trọng vào nền y học trên thế giới. Trong đó, cà gai leo là một minh chứng cho thấy công dụng chữa bệnh của mình. Vị thuốc này được sử dụng phổ biến, có nhiều tác dụng, đặc biệt là gan. Dược liệu có đặc điểm, thành phần và cách dùng như thế nào? Sau đây, mời quý độc giả cùng khám phá và tìm hiểu về loại cây này thông qua bài viết sau của Visuckhoe.vn nhé!
Nội dung bài viết
1. Đặc điểm của cà gai leo
Cà gai leo có nhiều tên gọi khác như: cà vạnh, cà lù, cà bò,… Nó thuộc họ Solanaceae, có tên khoa học là Solanum procumbens. Cây phân bố rộng khắp các tỉnh của nước ta. Ngoài ra còn được trồng ở một số nước như: Lào, Campuchia và Trung Quốc. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu nóng. Nó thường lẫn trong các lùm bụi thưa và tập trung nhiều cá thể với nhau.
Hình dáng
Đây là loại cây nhỡ leo, có chiều dài từ 60 – 100 cm, phân thành nhiều nhát. Lá có màu xanh, mọc so le với nhau. Nó có dạng hình trứng hoặc thuôn dài, mặt dưới có lông mềm màu trắng. Phần lá phía trên có gai. Hoa mọc thành cụm từ 3 -5 bông, có màu trắng hoặc tím. Quả mọng, bóng, khi non có màu xanh, đường kính 7 – 9 mm. Khi chín quả chuyển sang màu đỏ, hạt bên trong vàng, dạng thận hình đĩa, kích thước 3 x 2 mm.

Thu hái, bào chế
Các bộ phận cành lá và rễ của cây được sử dụng để làm dược liệu. Cây cà gai leo có thể thu hoạch quanh năm. Đem về rửa sạch để loại bỏ đất cát và tạp chất. Sau đó thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học
Trong cà gai leo có cholesterol, β-sitosterol, lanosterol và dihysrolanosterol. Đồng thời, trong rễ cây chứa 3β-hydroxy-5α-pregnan-16-on. Rễ và lá có chất solasodenon. Ở một nghiên cứu khác của Viện Dược liệu, cho thấy loại cây này có alkaloid, glycoalkaloid, sterol, saponin, flavonoid và axit amin.
2. Cà gai leo có tác dụng gì?
Theo dân gian và y học cổ truyền
Trong đông y, cà gai leo có vị hơi the, tính ấm. Dược liệu có tính chất như vậy giúp giải độc gan, tán phong thấp, tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu hiệu quả. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã sử dụng vị thuốc này để chữa bệnh liên quan đến gan như: vàng da, chướng bụng, người mệt mỏi, ăn uống không tiêu. Những trường hợp bệnh gan, gan yếu hoặc mẩn ngứa đều được dùng. Ngoài ra, nó còn giúp giải độc và thanh lọc cơ thể, trị rắn cắn, phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, ho, chữa say rượu,..

Theo y học hiện đại
Những nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy dược liệu có tác dụng:
- Điều trị viêm gan virus: Chất glycoalcaloid có trong dược liệu tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan virút, đặc biệt là viêm gan B. Đồng thời nó cũng tăng cường miễn dịch và cải thiện các triệu chứng của bệnh.
- Giải độc và hạ men gan: Trong những nghiên cứu khác, dịch chiết làm hạn chế hủy hoại tế bào gan; hạn chế việc tăng trọng lượng gan do nhiễm độc TNT và giảm bớt các biểu hiện tổn thương gan. Từ đó, dược liệu có thể hạn chế hủy hoại tế bào gan và hạ men gan nhanh.
- Làm chậm sự phát triển của xơ gan: Chất glycoalcaloid cũng có khả năng làm chậm sự tiến triển của xơ và giảm mức độ xơ ở giai đoạn sớm.
- Chống oxy hóa: Dịch chiết toàn phần từ cây và Glycoalcaloid trong dược liệu đều có tác dụng chống oxy hóa. Tỷ lệ có ý nghĩa tương ứng là 47,5% và 38,1%. Ngoài ra, nó còn ức chế một số dòng tế bào ung thư do virut như: tế bào ung thư gan, ung thư cổ tử cung,…
3. Cách dùng trà cà gai leo
Với những công dụng trên, người dân đã áp dụng và dùng cà gai leo làm trà. Cách uống trà từ loại cây này đơn giản và dễ thực hiện. Dùng 50 – 60g cà gai leo khô, rửa sạch rồi cho vào ấm. Đổ nước sôi vào vừa đủ ngập dược liệu rồi rót hết phần nước ra. Tiếp theo, đổ 200ml nước sôi vào, hãm trong vòng 10 phút. Sau đó cho thêm 1 ít nước sôi và tiến hành thưởng thức.
4. Các bài thuốc có dược liệu
Chữa phong thấp
Chuẩn bị: Rễ cà gai leo, rễ xấu hổ, rễ cỏ xước, kê huyết đằng, rễ cỏ tranh, thổ phục linh, mỗi vị 6g.
Thực hiện: Sắc lấy nước uống.
Chữa rắn cắn
Chuẩn bị: 30–50g rễ cà gai leo tươi.
Thực hiện: Dược liệu rửa sạch, giã nhỏ, hòa chung với 200ml nước sôi, chắt nước uống.
Chữa ho, ho gà
Chuẩn bị: Rễ cà gai leo 10g và lá chanh 30g.
Thực hiện: Sắc lây nước, ngày uống 2 lần.
Bài thuốc giải rượu
Chuẩn bị: 50g cà gai leo khô.
Thực hiện: Hãm dược liệu với nước sôi, uống như trà.
Chữa viêm gan, xơ gan và hỗ trợ chống ung thư gan
Chuẩn bị: 30g cà gai leo cùng 10g dừa cạn và 10g diệp hạ châu.
Thực hiện: Tất cả đem sao vàng, sắc lấy nước, ngày uống 1 thang.

5. Lưu ý khi sử dụng
Khi sử dụng cà gai leo để trị bệnh, người dùng cần chú ý:
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú tuyệt đối không sử dụng vị thuốc này.
- Trong trường hơp điều trị viêm gan B, không ngâm dược liệu chung với rượu vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức đề kháng.
- Nếu dùng thuốc tây, cần cách ít nhất 2 tiếng mới sử dụng dược liệu.
- Nên sử dụng thảo dược đúng liền, quá lạm dụng có thể xảy ra các tác dụng phụ.
6. Mua cà gai leo ở đâu?
Cà gai leo là vị thuốc quen thuộc, có thể tìm thấy ở các chợ hoặc nhà thuốc đông y. Ngoài ra, hiện nay dược liệu cũng được bán nhiều trên các kênh mạng xã hội, website hoặc trang thương mại điện tử. Phổ biến là vậy nhưng người mua cần lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy. Vì các sản phẩm đông y nói chung và dược liệu nói riêng xuất hiện hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc rất nhiều.
Cà gai leo tưởng như loại cỏ dại nhưng lại mang đến nhiều công dụng cho con người. Tuy vậy nhưng trước khi dùng, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia. Việc này đảm bảo cho dược liệu được phát huy tối đa công năng, đồng thời tránh được những rủi ro không đáng có. Bài viết đã cung cấp thông tin về loại cây cũng như công dụng của nó. Hy vọng chúng hữu ích trên hành trình chăm sóc sức khỏe của bạn.