Cỏ nhọ nồi – vị thuốc có giá trị đối với sức khỏe

Từ lâu thảo dược rất quan trọng, là một phần không thể thiếu đối với nền y học cổ truyền. Với số lượng loài phong phú, đa dạng, các loài thực vật đã góp phần điều trị và chữa nhiều bệnh cho con người. Chúng mang đến các đặc điểm, tính chất và giá trị khác nhau. Cỏ nhọ nồi là một trong số dược liệu quý, được nhiều người tìm kiếm. Mời quý độc giả cùng Visuckhoe.vn tìm hiểu và khám phá về loại cây này thông qua bài viết sau.

1. Đặc điểm của cỏ nhọ nồi

Cỏ nhọ nồi hay còn gọi là cỏ mực, có tên khoa học là Eclipta prostrata L. Đây là loài thực vật liên nhiệt đới, thường xuyên mọc ở những nơi ẩm ướt. Tại nước ta, cây xuất hiện chủ yếu tại các tỉnh vùng đồng bằng, trung du và miền núi ở độ cao 1500 m.

Hình dáng

Cỏ nhọ nồi là là loài thân thảo, mọc thẳng, cao đến 80cm. Thân của nó tròn, có màu lục hoặc màu tía, nhiều lông cứng. Lá dài 2 – 8cm, rộng 5 – 15mm, mọc đối nhau, màu xanh xám, có lông ở cả hai mặt. Lá dạng hình trứng hoặc hình mác thuôn dài, đỉnh nhọn hoặc cùn. Rìa có răng cưa, hơi cong hình lưỡi liềm.Hoa mọc thành cụm, màu trắng, không cuống, đường kính tới 1cm. Chúng mọc ở đầu lá hoặc đầu cành, hoa đĩa rất nhiều, hình ống, dài 1,5 – 2 mm. Lá bắc dài từ 5 – 6mm, có lông. Qủa màu nâu nhạt, dài 2 – 3 mm, rộng 0,9 mm. Trên đỉnh thường là màu trắng, lông ngắn và dễ gãy.

Hình dáng cỏ nhọ nồi
Hình dáng cỏ nhọ nồi

Thu hái, bào chế

Tất cả các bộ phận cả cây đều có thể sử dụng để làm dược liệu. Người dân tiến hành thu hái quanh năm, dùng được tươi hoặc khô. Đối với dược liệu khô, cắt cây trước khi nó ra hoa, rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Cắt cây thành từng khúc khoảng 3 – 5 cm rồi phơi đến khi khô. Tùy vào yêu cầu, người dân có thể sao hoặc sao cháy để sử dụng.

Thành phần hóa học

Trong cỏ nhọ nồi có chứa nhiều thành phần khá đa dạng và phong phú. Chủ yếu là tinh dầu, tanin, chất đắng, alcaloid. Bên cạnh đó, dược liệu gồm các dẫn chất thiophen như: dithienyl acetylen ester, α terthienyl, terthienyl aldehyd ecliptal.  Ngoài ra còn có chất wedelolacton, daucosterol, stigmasterol, sitosterol và saponin: ecliptasaponin A, B, C.

2. Tác dụng của cỏ nhọ nồi

Bảo vệ gan

Các nghiên cứu về cỏ mực cho thấy chúng có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư gan. Hàm lượng flavonoid và các hoạt chất sinh học khác giúp tăng cường chức năng gan. Trên chuột bị tiêm chất độc gan, dùng dịch chiết của dược liệu cho thấy giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 22%. Không dùng dược liệu tỷ lệ tử vong là 77%. Đồng thời, dịch chiết ethanol trong cỏ mực làm tăng trọng lượng của gan và thúc đẩy sự hoạt động của enzyme chống oxy hóa trong gan.

Kháng khuẩn

Cỏ nhọ nồi được chứng minh kháng với nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Trong đó nổ bậc nhất là tụ cầu khuẩn vàng và khuẩn E.coli. Đây là những tác nhân chính gây nên viêm tiết niệu cùng mụn nhọt ngoài da. Hoạt chất có trong dược liệu giảm sự khó chịu và vô hiệu hóa vi khuẩn. Từ đó chức năng của bàng quang được khôi phục và hoạt động bình thường.

Giải quyết các vấn đề về hô hấp

Trong cây cỏ mực có thành phần kháng viêm và làm tan đờm. Những bệnh như: cúm, kho khan, ho có đờm do nhiễm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp,… đều hiệu quả khi sử dụng. Dược liệu mang các hoạt chất làm sạch nhiễm trùng cùng với các mầm bệnh khác đang phát triển.

Khỏe tóc

Thành phần methanol trong cỏ nhọ nồi có khả năng kích thích các nang tóc. Từ đó, có thể điều trị việc rụng tóc, hói đầu. Ngoài ra, loại dược liệu này còn giúp ngăn ngừa tóc bạc sớm. Sử dụng dược liệu chung với dầu dưỡng, massage lên tóc để giúp tóc chắc khỏe. Ngăn ngừa được quá trình rụng tóc, làm cho tóc mọc nhiều hơn.

Khỏe mắt

Carotene là chất chống oxy hóa cần thiết để duy trì đôi mắt khỏe mạnh. Trong cỏ mực, hoạt chất này có hàm lượng cao và dồi dào. Chính vì vậy đây được xem là vị thuốc bổ ích giúp cho mắt luôn sáng khỏe. Ngoài ra, có nghiên cứu cho rằng dược liệu có thể vô hiệu hóa gốc tự do. Nhờ đó ngăn ngừa hình thành bệnh thoái hóa mắt và bệnh đục thủy tinh thể.

Thoát khỏi chứng thiếu máu, cầm máu

Chiết xuất của dược liệu có chứa một lượng sắc cao. Khi dùng loại cây này có thể bổ sung và giúp thoát khỏi bệnh thiếu máu. Đồng thời các bài thuốc từ thảo dược chữa chảy mau cam, đại tiện ra máu, ho ra máu, băng huyết sau sinh,… Sở dĩ nó có công dụng như vậy vì cỏ mực có khả năng cầm máu cao và hiệu quả.

Tốt cho tim mạch

Dược liệu có khả năng ổn định đường huyết và làm giảm chỉ số cholesterol xấu. Nó giúp hạ lipid máu cùng tính chất lợi tiểu của cây làm cải thiện và tăng cường chức năng của hệ tim mạch. Ngoài ra, dịch chiết ethanol của cây còn có thể giúp giảm cân, giảm lượng mỡ máu trên chuột bị tăng mỡ máu.

Cỏ nhọ nồi tốt cho tim mạch
Cỏ nhọ nồi tốt cho tim mạch

Giảm đau

Thí nghiệm trên chuột cho kết quả, sử dụng dược liệu có tác dụng giảm đau tương tự như thuốc codein và aspirin. Ethanol và hợp chất alkaloid có trong cây làm giảm đau một cách nhanh chóng. Người Ấn Độ đã sử dụng dược liệu như vị thuốc để điều trị đau răng, viêm nha chu, đau lưng và làm lành vết thương. Thảo dược đặc biệt thích hợp với người gặp bệnh lý dạ dày – tá tràng, suy gan, suy thận…

Ngoài ra, cỏ nhọ nồi còn có tác dụng trị sốt, tốt cho bệnh nhân tiểu đường, người bị viêm ruột, nhiễm trùng xoang, hen suyễn,….

3. Các bài thuốc có chứa dược liệu

Chữa sốt cao

Chuẩn bị: 20 gam cỏ nhọ nồi, 12 gam ké đầu ngựa, 20 gam củ sắn dây, 20 gam sài đất, 16 gam cây cối xay cùng cam thảo đất.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống trong ngày.

Chữa viêm họng

Chuẩn bị: 20 gam cỏ nhọ nồi, 20 gam bồ công anh, 16 gam kim ngân hoa, 16 gam cam thảo đất và 12 gam củ rẻ quạt.

Thực hiện: Cho dược liệu vào nồi, sắc lấy nước uống.

Chữa gan nhiễm mỡ

Chuẩn bị: 30 gam cỏ nhọ nồi, 20 gam nữ trinh tử cùng 15 gam trạch tả và15 gam đương quy.

Thực hiện: Sắc nước uống.

Cỏ nhọ nồi chữa gan nhiễm mỡ
Cỏ nhọ nồi chữa gan nhiễm mỡ

Chữa chảy máu cam

Chuẩn bị: Cỏ mực 20 gam, hoa hoè sao đen 20 gam và cam thảo đất 16 gam.

Thực hiện: Sắc uống.

Chữa tiểu đường

Chuẩn bị: 10 gam cỏ nhọ nồi, 30 gam lư căn tươi,10 gam mạch môn đông, 10 gam nam sa sâm. Cùng 5 quả ô mai, 10 gam ngọc trúc, 10 gam nữ trinh tử.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

Chữa Eczema trẻ em

Chuẩn bị: Cỏ mực 50 gam.

Thực hiện: Sắc đến khi dược liệu cô đặc lại, dùng bôi lên chỗ đau.

Chữa viêm cầu thận, viêm thận mạn tính

Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi 30 gam, đương quy 10 gam, xích thược 15 gam, bạch thược 15 gam. Tiểu kế 30 gam, xuyên khung 10 gam, thục địa 10 gam, bồ hoàng 15 gam.

Thực hiện: Sắc uống.

4. Một số lưu ý khi sử dụng

Khi sử dụng cỏ nhọ nồi để điều trị bệnh, người dùng cần chú ý các vấn đề sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

  • Khi dùng dược liệu quá liều có thể gây ra kích ứng dạ dày, buồn nôn và nôn.
  • Cỏ mực có thể có tác dụng phụ như: ngứa và khô bộ phận sinh dục.
  • Người tỳ vị hư hàn, hay đầy bụng, đi ngoài phân lỏng, viêm đại tràng mãn tính không nên sử dụng.
  • Dược liệu có nguy cơ sảy thai, phụ nữ đang mang thai cần cẩn trọng.
  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn khi dùng thảo dược này.

5. Mua cỏ nhọ nồi ở đâu?

Cỏ nhọ nồi mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Chính vì vậy việc tìm kiếm vị thuốc này tương đối dễ dàng. Bạn có thể đến các nhà thuốc y học cổ truyền hoặc chợ đông y để hỏi mua. Ngoài ra, dược liệu cũng được bán nhiều trên các trang thương mại điệ tử, website hay mạng xã hội. Phổ biến là vậy nhưng bạn cần lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy. Tránh mua phải hàng kém cất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Có thể nói, cỏ nhọ nồi là một vị thuốc quý, mang đến nhiều giá trị đối với sức khỏe của con người. Bài viết đã tổng hợp đặc điểm, công dụng và các bài thuốc về loại dược liệu này. Hy vọng những thông tin Visuckhoe.vn cung cấp hữu ích trên hành trình chăm sóc sức khỏe của quý độc giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *