Cây cỏ luôn là một phần không thể thiếu trong tự nhiên và mang ý nghĩa quan trọng đối với con người. Các loài thực vật đa dạng, phong phú đã mang đến nhiều giá trị cả trong đời sống và y học. Trong đó, hoàng cầm là loại cây sử dụng phổ biến, điều trị các bệnh sốt ho, nhức đầu, ung nhọt, điều kinh, kiết lỵ… Để tìm hiểu rõ hơn về loại thảo dược này cũng như công dụng của nó, mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau của Visuckhoe.vn.
Nội dung bài viết
1. Đặc điểm cây hoàng cầm
Hoàng cầm có rất nhiều tên gọi khác nhau. Nó thuộc họ hoa môi, có tên khoa học là Scutellaria baicalensis. Cây ưa sáng cùng khí hậu ẩm mát. Loài cây này mọc nhiều ở Trung Quốc. Tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Hà nam, Vân Nam, Hà Bắc, Nội Mông. Ở nước ta, những vùng có khí hậu mát mẻ, cây đang được thí nghiệm để di thực.
Hình dáng
Đây là loài cây thân thảo, sống lâu năm, có chiều cao khoảng 20 đến 50 cm. Thân hình vuông, mọc thẳng, phân thành nhiều nhánh, có thể nhẵn hoặc có lông. Lá mọc đối nhau, dạng hình mác hẹp, đầu thuôn nhọn, lá dài khoảng 1,5 đến 4cm, rộng khoảng 3 đến 8 mm. Mép lá nguyên, cuống ngắn hoặc không có cuống. Hoa mọc thành 2 bông ở đầu cành, có màu lam tím. Cánh hoa gồm 2 môi, bầu có 4 ngăn, nhị màu vàng. Rễ của nó phình to, thuôn dài, có dạng hình chùy. Vỏ bên ngoài màu vàng sẫm, bên trong vàng.

Thu hái, bào chế
Rễ cây là bộ phận được sử dụng để làm dược liệu. Vào mùa xuân là thời điểm thích hợp nhất để đào rễ cây. Sau khi mang về, tiến hành cắt bỏ rễ con, rửa sạch để loại bỏ đất cát và tạp chất. Dược liệu cạo bỏ vỏ, sấy hoặc phơi khô đều được. Rễ của nó được chia thành 2 loại. Một loại rễ non, cứng, chắc và mọng ở giữa, bên ngoài vàng, phía trong màu xanh vàng. Loại còn lại là rễ già, trong rỗng, màu đen, bên ngoài màu vàng.
Thành phần hóa học
Rễ hoàng cầm có đa dạng thành phần, chủ yếu là flavonoid: baicalein, scutclarin. Đồng thời, nó còn có nhiều tanin nhóm pyrocatechic và nhựa. Những nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy dược liệu có 31 chất thuộc nhóm flavon và flavanon. Wogonin và skulcapflavon II cũng là các chất có hoạt tính sinh học đáng chú ý.
2. Tác dụng hoàng cầm
Theo y học cổ truyền
Hoàng cầm có vị đắng, tính hàn, được quy vào các kinh: tâm, can, phế, đởm và đại tràng. Với tính chất đó, dược liệu có tác dụng thanh thấp nhiệt, tả phế hỏa. Nó được dùng điều trị tả lỵ đau bụng, thấp nhiệt da vàng, hàn nhiệt vãng lai, phế nhiệt sinh ho. Ngoài ra, các thầy thuốc đông y đã áp dụng để cầm máu và an thai. Ở Trung Quốc, đây là vị thuốc bổ, an thần, chống co giật, hạ sốt, động kinh, múa giật, mất ngủ.

Theo y học hiện đại
Hoàng cầm qua các nghiên cứu hiện đại, cho thấy công dụng đa dạng và phong phú. Cụ thể:
- Kháng khuẩn: Dược liệu có khả năng 100% ức chế vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, vi trùng tả, vi trùng phó thương hàn, vi trùng lao và dịch tả.
- Hạ sốt: Thí nghiệm trên thỏ bị nhiễm thương hàn, tiêm dung dịch của dược liệu cho kết quả khả quan. Tất cả đều cho thấy có tác dụng hạ sốt.
- Lợi tiểu: Woogonin, baicalin và baicalein tác dụng trên thỏ, giúp lợi tiểu.
- Hiều hòa huyết áp: Dược liệu ở dạng nước, cồn chiết hay dịch truyền đều ổn định huyết áp trên thực nghiệm.
- Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: Chất Baicalin thí nghiệm trên chuột làm giảm di chuyển và phản xạ.
- Chuyển hóa lipid: Nước sắc dược liệu kết hợp với đại hoàng và hoàng liên có thể hạ lipid tốt cho cơ thể.
- Tăng chức năng mật: Nó giúp tăng cường chức năng mật khi cho thỏ và chó uống nước sắc hoàng cầm.
3. Một số bài thuốc có thành phần dược liệu
Chữa băng huyết sau sinh
Chuẩn bị: Hoàng cầm kết hợp mạch môn, một lượng bằng nhau.
Thực hiện: Sắc lấy nước uống thay nước lọc.
Chữa chảy máu cam, nôn ra máu
Chuẩn bị: 40g hoàng cầm.
Thực hiện: Dược liệu bỏ ruột đen rồi tán mịn. Mỗi lần dùng 12g cùng 1 chén nước, đun đến khi ấm thì tắt bếp, uống vào buổi trưa.
Chữa đau bụng, kiết lỵ
Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 8g cam thảo, 8g thược dược và 3 trái đại táo.
Thực hiện: Đun tất cả các vị cùng 1 lít nước, chia thành 3 lần uống mỗi ngày.
Chữa phong nhiệt có đờm
Chuẩn bị: Hoàng cầm với bạch chỉ, dùng 1 lượng bằng nhau.
Thực hiện: Hai vị trên đem tán mịn. Mỗi lần dùng 8g chung với trà ấm.
Chữa nóng gan gây vàng da, mờ mắt
Chuẩn bị: 40g hoàng cầm cùng 120g đạm đậu vị.
Thực hiện: Săc lấy nước, uống khi còn ấm, thay cho nước lọc hàng ngày.
Chữa động thai
Chuẩn bị: 12g hoàng cầm,12g thược dược, 12g bạch truật cùng đương quy 8 g và xuyên khung 4g.
Thực hiện: Sắc lấy nước uống.
Chữa viêm gan virus thể cấp
Chuẩn bị: Hoàng cầm12g, chi tử, hoàng liên, hoàng bá mỗi vị 12g cùng đại hoàng và nhân sâm mỗi vị 8g.
Thực hiện: Sắc chung với 600ml nước, đến khi còn 300ml thì dừng lại. Chia thuốc thành 3 lần uống, sử dụng trong ngày.
Chữa phong tán hàn
Chuẩn bị: Hoàng cầm, độc hoạt, xuyên khung, phục linh, khương hoạt, bạch chỉ, đương quy, mỗi loại 8g. Ngưu tất, thục địa, bạch truật và đảng sâm mỗi loại 12g. Cùng 6g kim thảo và 0,8g bạch thược.
Thực hiện: Sắc chung với 750ml nước, dùng mỗi ngày 1 thang.
Thanh nhiệt, giả độc
Chuẩn bị: Hoàng cầm cùng bạch truật, lượng bằng nhau.
Thực hiện: Đem sao vàng rồi tán mịn, trộn chung với nước cơm. Nặn hỗn hợp thành viêm bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng 50 viên cùng với nước sôi ấm.

4. Lưu ý khi sử dụng
Khi sử dụng hoàng cầm cần chú ý các vấn đề sau:
- Người tỳ vị hư hàn nhưng không có thấp nhiệt, thực thỏa không nên dùng.
- Người bị phế có hư nhiệt, bị tiêu chảy do hàn hoặc do hạ tiêu có hàn không sử dụng.
- Không kết hợp dược liệu chung với sơn thù du, mẫu đơn, đơn sa, long cốt hoặc hành sống.
- Khi gặp các dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
5. Mua hoàng cầm ở đâu?
Hiện nay, hoàng cầm được bán nhiều tại các chợ đông y hoặc nhà thuốc, phòng khám y học cổ truyền. Ngoài ra nó cũng xuất hiện trên nhiều trang thương mại điện tử, các trang mạng xã hội hay website. Tuy nhiên, các sản phẩm dược liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan. Người mua cần cẩn trọng, lựa chọn địa chỉ tin cậy để đảm bảo an toàn và dược liệu hiệu quả nhất.
Có thể nói, hoàng cầm là vị thuốc phổ biến đối với nhiều người. Dược liệu mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe và y học. Tuy vậy nhưng trước khi dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn. Chúc bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích và thú vị về loại cây này nhé!