Công năng vị thuốc ngũ vị tử có thể bạn chưa biết

Y học cổ truyền từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với con người. Các bài thuốc có thành phần từ thiên nhiên đem lại sức khỏe và nhiều ích lợi khác. Ngũ vị tử cũng là một trong các vị thuốc được sử dụng phổ biến. Dược liệu có thành phần, công dụng và cách dùng ra sao? Cùng Visuckhoe.vn khám phá và tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Đặc điểm của ngũ vị tử

Ngũ vị tử được gọi với nhiều tên khác nhau như: sơn hoa tiêu, ngũ mai tử, huyền cập. Nó có tên khoa học là Schisandra chinensis (Turcz) Baill. Đây là cây thích hợp ở khu vực ẩm mát, vùng núi có độ cao từ 1300 đến 1600m. Cây được tìm thấy chủ yếu tại các quốc gia có khí hậu lạnh như: Nga, Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại nước ta cây phân bố rất hạn chế.

Hình dáng

Ngũ vị tử là cây leo to, sống lâu năm, có chiều dài trung bình từ 5m đến 7m. Thân có vỏ màu xác nâu, nhiều nốt sần và cành nhỏ, hơi có cạnh. Lá mọc so le với nhau, hình trứng, mép có răng cưa. Lá có kích thước: dài khoảng 5 – 11 cm, bề rộng 3 – 7 cm. Mặt trên của lá nhẵn, màu hơi sẫm. Tại gân của lá non có lông ngắn mịn, nằm phía dưới. Hoa màu trắng nhạt, tràng có 6– 9 cánh và có mùi thơm. Quả hình cầu, mọc thành từng chùm với nhau. Đường kính của quả là 5 – 7 mm, mọng nước, khi chín màu đỏ sẫm. Hạt bên trong hình thận, màu nâu bóng.

Hình dáng cây ngũ vị tử
Hình dáng cây ngũ vị tử

Thu hái, bào chế

Quả là bộ phận được sử dụng để làm dược liệu. Vào khoảng 9 tháng 10 hàng năm, khi quả đã chín người dân tiến hành thu hái. Phần quả đem về được nhặt bỏ cuống, sau đó phơi hoặc sấy khô. Đối với dược liệu cần bảo quản nơi khô ráo để tránh ẩm mốc, côn trùng.

Thành phần hóa học

Trong ngũ vị tử chứa nhiều tinh dầu mùi chanh như: 30% hợp chất sesquitecpen, 20% andehyt và xeton. Các hợp chất này được tìm thấy trong vỏ cây 2,6-3,2%, thân 0,2 – 0,7% và hạt 1,6 – 1,9 %. Chất béo bao gồm: glyxerit của axit oleic và linoleic trong hạt quả chiếm tỉ lệ 34%. Phần thịt quả có 1,5 % đường, tanin cùng chất màu. Đồng thời quả có 11% axit xitric, 0,8% axit tactric, 7-8,5% axit malic, vitamin C và khoảng 0,12% schizandrin.

2. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền

Ngũ vị tử có vị chua, tính ấm, có tác động vào 2 kinh phế và thận. Dưới tính chất này, dược liệu có tác dụng cố thận, cố tinh, chỉ mồ hôi và liêm phế. Đây là vị thuốc trị đờm, bổ ngũ tạng, thêm tinh trừ nhiệt, tu bổ, cường âm, ích khí. Các thầy thuốc đông y sử dụng dược liệu chữa các bệnh như: ho lâu ngày, mộng tinh, liệt dương, đái dầm, niệu tần. Ngoài ra tiêu chảy, tự hãn, đạo hãn, tân dịch hao tổn, đánh trống ngực, mất ngủ, háo khát, mạch hư, nội nhiệt cũng có thể dùng.

Theo y học hiện đại

Ngũ vị tử trong nhiều nghiên cứu cho thấy công dụng như sau:

  • Đối với gan: Hoạt chất lignan của dược liệu có chức năng bảo vệ gan rõ rệt. Nó kháng khuẩn, giảm nồng độ ALT huyết thanh và phục hồi các chức năng của gan. Đồng thời hoạt chất có thể kích thích cytochrom P450 và thúc đẩy chức năng giải độc của cơ thể. Không những thế, ngũ vị tử giúp các tiểu thể gan tăng cường hoạt động để giải độc cùng với việc tổng hợp protein trong gan một cách hiệu quả.
  • Huyết áp: Dược liệu có thể làm cho các mạch máu tim giãn nở. Từ đó cải thiện tình trạng máu lưu thông và hạ huyết áp trên chuột thí nghiệm.
  • Hệ thần kinh: Schisandrin B trong quả tác động chống viêm, bảo vệ tế bào thần kinh với các tế bào vi mô trong não. Ngoài ra nó còn ngăn chặn sự hình thành của amyloid beta peptide dư thừa trong não. Cơ thể khi sử dụng dược liệu chống lại sự lo lắng, căng thẳng, giúp an thần, ngủ ngon.
  • Hệ miễn dịch: Các thành phần của ngũ vị tử ức chế sự hoạt động của nhiều vi khuẩn. Cụ thể như: khuẩn tả, tụ cầu vàng, phó thương hàn, trực khuẩn thương hàn, kiết lị, cầu khuẩn viêm phổi và trực khuẩn mủ xanh. Đặc biệt là chống lại các tế bào ung thư, từ đó tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể.
  • Hô hấp: Thí nghiệm trên chuột lang cho kết quả loại trái cây này làm giảm ho và viêm phổi.
  • Ngoài ra dược liệu có thể làm giảm các triệu chứng của người mãn kinh. Như: dễ kích đọng, đổ mồ hôi nhiều và nhịp tim nhanh.
Ngũ vị tử trị hen suyễn nặng
Ngũ vị tử trị hen suyễn nặng

3. Các bài thuốc có thành phần ngũ vị tử

Trị suy nhược thần kinh

Chuẩn bị: Ngũ vị tử 30g, nhân sâm 10 – 20 g và câu kỷ tử 30 g.

Thực hiện: Ngâm dược liệu trên chung với 500ml rượu trong 1 tuần. Mỗi ngày uống 15 -20 ml trước khi ngủ.

Trị hen suyễn nặng

Chuẩn bị: Ngũ vị tử 30 – 50 g, ngư tinh thảo 30 – 80 g cùng địa long 9 – 12 g.

Thực hiện: Ngâm các vị trong nước khoảng 4 tiếng. Sắc nhỏ lửa cho đến khi còn 250ml, chia thành 2 lần uống trong ngày.

Trị viêm gan mạn tính

Chuẩn bị: Ngũ vị tử, linh chi, sài hồ, đơn sâm.

Thực hiện: Luyện chung với mật rồi vo thành viên. Mỗi lần uống 1 viên với nước sôi để nguội.

Trị liệt dương, thận hư

Chuẩn bị: 600 g ngũ vị tử.

Thực hiện: Dược liệu nghiền thành bột mịn, ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng 4g.

Trị di tinh, mộng tinh

Chuẩn bị: 100 g ngũ vị tử và 250 g nhân hồ đào.

Thực hiện: Dược liệu đem ngân cho mềm, bỏ hạt rồi sao vàng. Tán 2 vị thành bột mịn, mỗi lần dùng 9g, uống chung với nước cơm.

Trị bế kinh

Chuẩn bị: Ngũ vị tử 40 g, bạch thược 120 g. Cam thảo, dương quy, phục linh, sa sâm, thục địa, a giao, hoàng kỳ, bán hạ chế mỗi loại lấy 40 g.

Thực hiện: Tán mịn tất cả các vị trên, mỗi ngày dùng 12 -20g.

Trị ho mạn tính

Chuẩn bị: Ngũ vị tử 80 g cùng túc xác tẩm với đường sao vàng 20 g.

Thực hiện: Nghiền mịn 2 loại trên, trộn chung với mạch nha. Vo lại thành viên như quả táo tàu, ngậm trong miệng.

Trị mất máu, thiếu máu

Chuẩn bị: Ngũ vị tử 6 g, huyền sâm, địa hoàng, mỗi loại 12 g. Đan sâm, bá tử nhân, toan táo nhân, phục linh, viễn chí, đương quy mỗi loại 8 g. Đảng sâm 16 g, cát cánh 6 g cùng thiên môn, mạch môn, mỗi vị 10 g.

Thực hiện: Sắc uống.

Ngũ vị tử trị mất máu, thiếu máu
Ngũ vị tử trị mất máu, thiếu máu

4. Lưu ý khi sử dụng dược liệu

Khi sử dụng ngũ vị tử người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng.
  • Người bị viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản không nên dùng.
  • Bệnh nhân đang bị viêm phế quản, động kinh không sử dụng.
  • Các triệu chứng có thể xảy ra khi dùng thuốc như: dị ứng, phát ban, mẩn ngứa, ợ hơi, ợ chua,…
  • Không dùng chung dược liệu với Tacrolimus, thuốc chuyển hóa qua trung gian Cytochrom P450 2C9, Cytochrom P450 3A4, Wafarin.

5. Địa chỉ mua ngũ vị tử

Hiện nay dược liệu ngũ vị tử có bán nhiều tại các chợ đông y hoặc nhà thuốc y học cổ truyền. Bạn có thể đến trực tiếp tại các cơ sở để mua. Không những thế, vị thuốc này còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng xã hội và kênh bán hàng online. Với hình thức như vậy việc tìm kiếm thảo dược nói chung và ngũ vị tử nói riêng trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên người mua cần lựa chọn địa chỉ uy tín và tin cậy để tránh hàng kém chất lượng.

Ngũ vị tử từ lâu đã trở thành dược liệu có giá trị. Với nguồn gốc từ thiên nhiên, cây mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho con người. Để đảm bảo an toàn và phát huy hết hiệu quả bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Hy vọng bài viết sẽ mang đến những thông tin hữu ích đối với bạn và người thân trên con đường chăm sóc sức khỏe của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *