Bá tử nhân – vị thuốc quen thuộc mang nhiều công dụng tuyệt vời

Trắc bá là loại cây cảnh, được trồng ở khắp mọi nơi. Cành và lá của chúng ngoài để trang trí còn có công dụng cầm máu và làm mát máu. Không những vậy, hạt của cây cũng là một vị thuốc phổ biến và có nhiều giá trị. Trong y học, nó có tên là bá tử nhân, được sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Hãy cùng Visuckhoe.vn tìm hiểu xem dược liệu có đặc điểm, công dụng và cách dùng như thế nào?

1. Bá tử nhân là gì?

Bá tử nhân còn được gọi với tên hạt trắc bách hay hạt trắc bá. Nó thuộc họ hoàng đàn, có tên khoa học là Platycladus orientalis (L.) Franco. Cây mọc khắp nơi và xuất hiện nhiều ở Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar. Ở nước ta, dược liệu được trồng rộng rãi cả 3 miền.

Hình dáng

Cây của nó cao từ 3 -5 m, có dạng hình tháp, phân thành nhiều nhánh. Chúng được xếp theo những mặt phẳng thẳng đứng, phần thân dọc mọc ra nhiều nhánh con có chứa lá. Lá có màu xanh sẫm, mọc đối nhau và hình vảy, dẹt. Quả hình nón, gồm 6 -8 vẩy dày, xếp úp vào nhau. Cây thường ra quả vào tháng 9 -10.

Hình dáng bá tử nhân
Hình dáng bá tử nhân

Mô tả dược liệu

Hạt là bộ phận được sử dụng để làm thuốc. Dược liệu có dạng hình trứng hoặc hình bầu dục hẹp, dài khoảng 4 – 7mm. Đường kính của hạt là 1,5 – 3mm. Vỏ bên ngoài cứng và nhẵn, có màu trắng hoặc hơi vàng và nâu nhạt. Chúng có phủ một lớp lụa dạng màng bên ngoài. Đỉnh nhọn, đáy tròn tù, trên đỉnh có một điểm màu nâu sẫm. Bên trong hạt mềm, có mùi thơm nhẹ.

Thu hái, bào chế

Vào mùa đông, người dân tiến hành thu hái hạt của cây. Đem hạt về phơi khô rồi xác bỏ vỏ ngoài, lấy phần nhân bên trong. Phơi khô lại thêm lần nữa để bảo quản. Khi dùng có thể để nguyên hoặc ép hạt để loại bỏ bớt dầu. Dược liệu cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát và kiểm tra thường xuyên để phát hiện hư hỏng kịp thời.

Thành phần hóa học

Trong bá tử nhân có chứa nhiều chất béo và Saponosid (0,64%). Bên cạnh đó, nó còn bao gồm một ít tinh dầu. Cụ thể như: 1-borneol bomyl acetat, camphor, sesquiterpen alcol.

2. Bá tử nhân có tác dụng gì?

Theo y học cổ truyền

Bá tử nhân có vị ngọt, tính bình, được quy vào các kinh tâm và tỳ. Cùng với tính chất đó, dược liệu có tác dụng dưỡng tâm, an thần, nhuận tràng và thông tiện. Trong y học, các thầy thuốc dùng dược liệu để chữa hồi hộp mất ngủ, hay quên, người yếu ra nhiều mồ hôi, táo bón. Ngoài ra, đây còn là vị thuốc cầm máu hiệu quả khi bị thổ huyết, chảy máu cam, ho ra máu, tiểu tiện ra máu, tử cung xuất huyết.

Bá tử nhân giúp dưỡng tâm, an thần
Bá tử nhân giúp dưỡng tâm, an thần

Theo y học hiện đại

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy bá tử nhân có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Cụ thể như:

  • Mất ngủ: Dùng trắc bách diệp tác dụng trên thành mạch máu cô lập. Nồng độ thấp làm co mạch, nồng độ cao có tác dụng giãn mạch.
  • Tử cung ra máu: Cho thỏ dùng dược liệu vời liều nhất định, tử cung co bóp mạnh hơn bình thường. Bên cạnh đó nó còn có khả năng kích thích quá trình đông máu.
  • Táo bón: Những người âm hư, người già và phụ nữ sau khi đẻ bị táo bón, dược liệu giúp nhuận tràng, thông đại tiện hiệu quả.

3. Các bài thuốc có dược liệu

Dưỡng tâm, an thần

Chuẩn bị: Bá tử nhân 16g, toan táo nhân 16g, ngũ vị tử 8g và viễn chí 8g.

Thực hiện: Sắc lấy nước, chia thành nhiều lần uống trong ngày.

Nhuận tràng và thông đại tiện

Chuẩn bị :Bá tử nhân, hỏa ma nhân cùng tùng tử nhân mỗi vị 12g.

Thực hiện: Nghiền thành bột mịn, trộn chung với mật để luyện thành hoàn hay sắc uống.

Chữa hồi hộp, mất ngủ

Chuẩn bị: Bá tử nhân 16g, viễn chí 8g, toan táo nhân 16g.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống như trà.

Bá tử nhân chữa hồi hộp, mất ngủ
Bá tử nhân chữa hồi hộp, mất ngủ

Chữa suy giảm trí nhớ, tâm huyết bất túc

Chuẩn bị: Bá tử nhân 20g, đương quy 12g, câu kỷ 12g, phục thần 12g, xương bồ 4g, cam thảo 4g, mạch đông 12g, thục địa 12g, huyền sâm 12g.

Thực hiện: Sắc tất cả các vị trên, lấy nước uống thay trà mỗi ngày.

Chữa âm hư mồ hôi ra nhiều

Chuẩn bị: Bá tử nhân 16g, Ngũ vị tử 8g, Mạch nhu 16g. Cùng Hạ khúc, Mẫu lệ, Đảng sâm, Ma hoàng căn và Bạch truật mỗi thứ 12g.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

Chữa chứng khóc đêm, đầy bụng ở trẻ em

Chuẩn bị: Bá tử nhân 3-30g.

Thực hiện: Tán thành bột mịn, trộn chung với nước cơm rồi cho trẻ uống trực tiếp.

4. Lưu ý khi dùng

Khi sử dụng bá tử nhân, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Người bị tiêu chảy hay cổ họng nhiều đờm tuyệt đối không sử dụng.
  • Không dùng chung dược liệu với dương đề thảo, thận trọng khi kết hợp với cúc hoa.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú cần cẩn trọng khi dùng dược liệu.
  • Người dị ứng hoặc mẫn cảm với thành phần của thuốc không dùng.
  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.

5. Mua bá tử nhân ở đâu?

Bá tử nhân được bán nhiều tại các chợ đông y học nhà thuốc y học cổ truyền. Ngoài ra, dược liệu còn xuất hiện trên các trang thương mại điện tử, website và mạng xã hội. Tuy nhiên hiện nay, các sản phẩm dược liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có nhiều. Bạn cần lựa chọn địa chỉ uy tín, đáng tin cậy để mua, tránh ” tiền mất tật mang”.

Bá tử nhân là vị thuốc phổ biến trong y học. Với thành phần và công dụng đa dạng, dược liệu này đã mang đến nhiều giá trị đối với con người. Bài viết đã cung cấp thông tin về đặc điểm, thành phần cùng công dụng, cách dùng của thảo dược. Hy vọng bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích trên hành trình chăm sóc sức khỏe của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *