Vị thuốc bạch thược cùng công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe

Bạch thược được biết đến là cây cảnh được trồng trong sân vườn của nhiều gia đình. Nó nổi bậc bởi màu sắc và hình dáng tuyệt đẹp của những bông hoa. Thế nhưng ít ai biết đây cũng là loại dược liệu có giá trị, được sử dụng lâu đời trong đông y. Vị thuốc này mang đến các công dụng như: làm mát, lợi tiểu, bổ máu, điều kinh. Cùng tìm hiểu và khám phá về dược liệu qua bài viết của Visuckhoe.vn.

1. Bạch thược là gì?

Bạch thược thuộc họ hoàng liên, có tên khoa học là Paeonia lactiflora Pall. Cây mọc hoang và được trồng nhiều tại một số tỉnh của Trung Quốc. Ngoài ra nó còn tìm thấy ở Nhật bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô và Siberia. Đây là loài cây ưa ẩm và ưa sáng, thích hợp với khí hậu có nhiệt độ trung bình khoảng 15,3°C, lượng mưa 2800 mm/năm.

Hình dáng

Đây là cây thân thảo, cao khoảng 50 -80 cm, sống lâu năm. Thân cây nhẵn, mọc thẳng, lá so le với nhau. Chúng có cuống dài, chia thành các thùy hình trứng hoặc mác thuôn. Hoa mọc ở trên đầu cành, riêng lẻ, có nhị vàng, cánh trắng. Cây được trồng từ hạt, sau khoảng 4 -5 năm mới ra hoa. Vào mùa đông cây sẽ rụng lá, trên thân và cành có nhiều chồi ngủ. Đến khoảng sau tết âm lịch, từ các chồi ngủ đó mọc ra nhiều cành và lá mới. Hoa nở vào tháng 5, có thể kéo dài từ 10 – 15 ngày.

Hình dáng cây bạch thược
Hình dáng cây bạch thược

Mô tả dược liệu

Rễ là bộ phận được sử dụng để làm dược liệu. Nó có hình trụ, thẳng hoặc uốn cong, dài 5 cm đến 18 cm, đường kính 1 cm đến 2,5 cm. Bên ngoài có màu trắng hoặc hồng nhạt, đôi khi chuyển sang màu nâu sẫm. Vỏ nhẵn hoặc có các nếp nhăn cùng vết tích của rễ nhỏ. Mặt cắt cho thấy bên trong có màu trắng ngà hoặc hơi hồng phớt, gỗ thành tia rõ, đôi khi có khe nứt. Chất của nó rắn chắc, nặng và khó bẻ gãy, không mùi, có vị đắng và chua.

Thu hái, bào chế

Vào mùa hè hoặc mùa thu khi cây được 3 đến 5 tuổi có thể tiến hành thu hoạch. Người dân đào rễ lên, cắt bỏ đầu đuôi cùng rễ con. Sau đó rửa với nước để loại bỏ đất cát, tạp chất, cạo lớp vỏ bên ngoài. Đem dược liệu đi luộc chín, phơi khô hoặc thái lát trước khi phơi.

Thành phần hóa học

Trong bạch thược có chứa nhiều thành phần, chủ yếu là albiflorin, benzoyl paconiflorin, paconiflorin và oxypaeoniflorin. Ngoài ra, nó còn bao gồm tinh bột, tanin, một ít tinh dầu, calcium oxalat, acid benzoic, nhựa cùng chất béo, chất nhầy. Theo Kokei Kamiya và cộng sự, dược liệu có các hợp chất triterpen và flavonold.

2. Công dụng của bạch thược

Theo y học cổ truyền

Bạch thược có vị đắng, chua, hơi chát, được quy và kinh can, tỳ và phế. Với tính chất như vậy, dược liệu có tác dụng bình can, chỉ thống, dưỡng huyết, làm mát, lợi tiểu, điều kinh, liễm âm, chỉ hàn, tiêu viêm. Các thầy thuốc đông y sử dụng vị thuốc này điều trị bệnh đau bụng, tả lỵ, chân tay nhức mỏi, nhức đầu. Bên cạnh đó, các vấn đề về hoa mắt, nghẽn mạch não, kinh nguyệt không đều, bế kinh, tiểu tiện khó, đổ mồ hồi trộn đều có thể dùng.

Theo y học hiện đại

Những nghiên cứu đã cho thấy dược liệu bạch thược có nhiều tác dụng như:

  • Benzoylpaeoniflorin có trong rễ cây giảm apoptosis, điều trị được bệnh mạch vành ở chuột.
  • Hoạt chất Glucozit có khả năng ức chế trực tiếp vùng trung khu của hệ thần kinh. Từ đó giúp an thần và giảm đau hiệu quả.
  • Khả năng thu dọn đáng kể chống lại gốc tự do của 6′-O-galloylpaeoniflorin, cho kết quả khả quan về chất chống oxy hóa.
  • Nghiên cứu cho thấy chất Paeoniflorin tạo ra sự dung nạp miễn dịch tế bào. Đồng thời nó còn chống viêm và điều hòa miễn dịch và bảo vệ thần kinh trong đột quỵ nhồi máu não.
  • Acid Benzoic từ rễ cây được áp dụng trong điều trị bệnh ho và tiêu đờm.
  • Ngoài ra dược liệu còn kháng khuẩn và chống trầm cảm, lo âu.

3. Một số bài thuốc có dược liệu

Chữa nhức đầu, hoa mắt

Chuẩn bị: Bạch thược 6 g, quế chi 6 g, bạch truật 6 g, đại táo 6 g, sinh khương 6 g, phục linh 6 g cùng cam thảo 4 g.

Thực hiện: Sắc lấy nước, chia thành 3 lần uống trong ngày.

Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh

Chuẩn bị: Bạch thược và sinh địa mỗi vị 20 g. Cùng đương quy 10 g, xuyên khung 4 g, hoặc tứ vật gia ngưu tất (thêm ngưu tất 20 g), hoặc tứ vật gia ngưu tất, mần tưới (mỗi loại 15 g).

Thực hiện: Có thể sắc lấy nước hoặc chế cao và vo hoàn để uống.

Bạch thược chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh
Bạch thược chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh

Chữa băng huyết, rong kinh

Chuẩn bị: Bạch thược, trắc bách diệp và sao sém đen, mỗi loại dùng 12 -20g.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

Chữa co giật

Chuẩn bị: Bạch thược và cam thảo, mỗi loại 16 g.

Thực hiện: Sắc uống.

Chữa lỵ tiêu ra máu mủ

Chuẩn bị: Bạch Thược 40 g, Binh Lang, Mộc Hương đều 8 g. Đương Quy 20 g, Hoàng Liên 20 g, Chích Thảo 8 g, Đại Hoàng 12 g, Hoàng Cầm 40 g và Quan Quế 6 g.

Thực hiện: Tất cả dược liệu tán mịn, mỗi lần lấy 20g sắc chung với 2 chén nước.

Chữa váng đầu

Chuẩn bị: Bạch thược 20 g, xuyên khung và mộc qua mỗi thứ 8 g. Đương quy 16 g, thục địa 16 g, táo nhân 20 g, mạch môn 12 g cùng cam thảo 4 g.

Thực hiện: Sắc uống.

Bạch thược chữa co giật hiệu quả
Bạch thược chữa co giật hiệu quả

4. Lưu ý khi sử dụng

Khi sử dụng bạch thược để điều trị bệnh, người dùng cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Người bị đầy bụng không nên dùng.
  • Người chuẩn bị phẫu thuật cần thận trọng, dược liệu có tính chống đông khá tốt.
  • Không dùng chung vị thuốc với lê lô.
  • Người mẫn cảm với thành phần dược liệu không nên sử dụng.
  • Cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi dùng.

5. Mua bạch thược ở đâu?

Bạch thược tương đối phổ biến, vì vậy bạn có thể tìm đến các chợ đông y học nhà thuốc, phòng khám y học cổ truyền để mua. Ngoài ra, hiện nay trên các sàn thương mại điện tử và nhiều website cũng có bán online. Trước khi mua, người dùng cần lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy. Vì hiện nay sản phẩm dược liệu kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất hiện tràn lan.

Có thể nói, bạch thược là dược liệu quý, có giá trị trong y học và đối với sức khỏe của con người. Bài viết của chúng tôi đã cung cấp đặc điểm, thành phần, công dụng và cách dùng của vị thuốc này. Hy vọng những thông trên sẽ hữu ích đối với bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *